Không biết, bạn có giống mình không, mình hay tự nhận và cũng được nhiều người bảo là mạnh mẽ và tự lập. Mình khá thích thú và có vẻ tự hào về cái danh xưng nghe thời thượng đó. Một phần đến từ cá tính riêng, một phần cũng có thể do truyền thông, xã hội ảnh hưởng, nơi mà nhan nhản thấy các khẩu ngữ theo kiểu: Là con gái phải độc lập. Phụ nữ muốn không bị tổn thương thì phải mạnh mẽ,…
Nhưng, nếu bạn đã nỗ lực và từng gồng mình để trở nên mạnh mẽ, thì chắc bạn cũng sẽ hiểu là nó mệt như nào. Có quen không khi nghe những câu nói như là: Mình không quen khóc trước mặt người khác, không cần người ta mình vẫn sống được,… Rồi có khi nào, bạn thắc mắc: Tại sao ban ngày thì mình rất vui vẻ, hòa đồng với mọi người, nhưng tối về thì thấy cô đơn, tủi thân? Bạn lúc nào cũng chứng minh là tự mình có thể làm được, mình độc lập lắm mà. Nhưng tới lúc mâu thuẫn, ghen tị và tủi thân khi so sánh với mấy đứa bạn, sao tụi nó được người ta yêu thương, giúp đỡ, còn mình thì không?
Trong những năm chập chững tuổi 17, 20 mình luôn loay trong mớ hỗn độn đó, cứ luôn phải chứng minh là mình mạnh mẽ và độc lập lắm. Để rồi sau này, mình mới nhận ra được nhiều hơn là:
Đôi khi hãy cho phép mình được “Tựa”
Mạnh mẽ và độc lập không phải từ chối sự giúp đỡ, cũng không phải đi chứng minh cho người khác thấy mình làm được. Mà đôi khi là cho phép mình đón nhận sự tốt đẹp mà người khác mang đến, cho phép sự tin tưởng được len lỏi vào những mối quan hệ và xem nhẹ những điều “bất như ý”.
Mình vừa gọi tên được điều này khi mình tham gia vào hoạt động học thông qua chuyển động cơ thể (bộ môn Contact Improv – Chạm Ngẫu Hứng), khi có bài tập bạn mình làm tượng và mình sẽ có thể tựa, dựa dẫm lên bạn thì mình liền vỡ ra: Òa, thì ra được tựa lên người khác cũng thích lắm, cảm giác mình trao đi sự tin tưởng rằng bạn sẽ là bức tường vững chắc, tin tưởng bạn sẽ không để mình ngã.
Bài học này mình học được nhiều nhất trong những mối quan hệ tình cảm, vì mình từng khá khắt khe với cuộc đời, nhìn đâu cũng thấy người ta có lỗi với mình, do đó mà tự dựng lên những hàng rào phòng thủ, để họ không thể làm tổn thương mình qua các biểu hiện như: thể hiện mình là “cool girl”, luôn giữ cho mình một vùng an toàn riêng, những bí mật riêng, đòi hỏi việc người khác phải chứng minh tình cảm, đặt những kỳ vọng của mình lên người khác,…
Tựa thử đi vì người ta mạnh hơn bạn nghĩ
Ở một thái cực khác, không phải nghĩ quá nhiều cho mình, mà là nghĩ quá nhiều cho người khác, mình sợ mình nói ra người ta sẽ bị ảnh hưởng, mình sợ người ta nhỏ quá sẽ không hiểu được, mình thấy người ta ốm nên sợ sẽ không đỡ nổi, hay mình thấy người ta bận quá nên sợ không muốn làm người ta áp lực thêm,… Lòng mình thì muốn tựa lắm, muốn nói ra lắm, nhưng sợ nhiều quá rồi một mình ngậm ngùi tự ôm ấp cho riêng mình, nhẹ thì trôi tuột qua mà không một dấu vết, nặng thì tích lâu thành uẩn ức…
Nhưng nhiều khi bạn đâu có biết là người ta mạnh hơn những gì bạn nghĩ và bạn sợ. Cái người ta muốn là làm bạn vui, làm bạn thoải mái, còn bạn thì cũng muốn được vui, được thoải mái nhưng tự mang lên lưng đủ kiểu nỗi sợ, nên khiến trải nghiệm của cả hai đi trên những đường thẳng song song mà không có điểm chạm.
Vài hướng dẫn khi muốn đổi vai, làm bức tượng cho người ta tựa:
– Muốn cho người khác tựa, trước tiên hãy đứng vững đã
Điều này nghe có vẻ hiển nhiên nhỉ? Nhưng có phải lúc nào mình cũng để ý được đâu, thậm chí có nhiều lúc mình quên mất là mình đang tự đứng còn chưa thẳng, chưa vững nữa kia mà, thế làm sao đủ chắc để cho ai đó tựa vào mình. Nhưng làm sao để biết mình đang lung lay, hay đã có gốc vững chắc? Với mình thì sẽ làm theo ba bước để đánh giá:
(1) quan sát bên trong lẫn bên ngoài: xem trong ngoài mình có hòa thuận không, hay đang “choảng” nhau, ngoài thì vui cười còn trong buồn hiu
(2) trau dồi thêm kiến thức: trau dồi và tự vấn để hiểu mình nhiều hơn.
(3) Đi thi rồi tự đánh giá lại kết quả: anh Trụ rất hay gửi bài test cho chúng ta, chịu khó để ý nếu mà bạn đi qua nó một cách nhẹ nhàng thì có thể xem như đủ trình độ để pass, còn cứ một lỗi mà sai quài là thi rớt đó (giống như quy trình đi thi tiếng anh thôi!!!)
– Khi làm tượng, cũng nên thấy thoải mái
Đơn giản là làm tượng cho người ta tựa, nếu muốn đứng lâu, đứng vững thì nên chọn cho mình những tư thế để mà mình thấy thoải mái nhất. Lúc nào mỏi, lúc nào mệt thì đổi tư thế hoặc nói để người ta tựa nhẹ nhẹ lại, đó là lý do tại sao có từ “nương tựa”, tựa nhiều rồi thì cũng cần biết nương một chút mới bền được, chứ xài hao quá, tượng nó sợ nó bỏ chạy mất. Thêm nữa, tượng không nên quá sức, vì tượng mà quá sức, tượng ngã, tượng vỡ thì người ta cũng ngã, cũng vỡ, nên bung bét ghê lắm. Tóm lại, câu chuyện ở đây là quan sát bản thân và giao tiếp hiệu quả.
Có người từng bảo: Mối quan hệ bền vững là cả hai phải vững chắc, độc lập, tự do rồi đi với nhau mới hạnh phúc được. Trước mình cũng tin vậy, nhưng giờ nhận ra: Ở đâu ra chuyện, mình có thể luôn vững chắc, độc lập được. Bài nhạc còn có nốt thăng nốt trầm thì huống chi đời người. Nên hóa ra, Mạnh Mẽ Tựa, cho phép mình tựa người ta và người ta tựa mình cũng là cách để mối quan hệ bền vững và hạnh phúc rồi!
Thanh Phương (Mây)