Có người hỏi mình: “Tại sao trước đây làm nhiều thứ hay ho, giờ mày lại dạy nhảy?”
Hồi cấp ba ở Sing, môn học yêu thích của mình mà chả ai quan tâm là môn Theory of Knowledge (Học Thuyết về Kiến Thức, tiền thân của môn Triết sau này ở đại học). Có một thôi thúc rất lớn hiểu bản chất sâu xa của sự đời. Rồi đến một ngày một suy nghĩ chợt đến: “có nhiều cách để hiểu đời, và dùng suy nghĩ chỉ là một cách. “
Nếu bạn thực sự quan tâm đến việc phát triển nội lực và là muốn mở rộng thế giới quan, bạn cũng có thể từng có suy nghĩ đó. Đặc biệt là người có hoài bão, đam mê và có ảnh hưởng tới nhiều người..
Đã rất rất nhiều lần mình ngộ ra được những điều quan trọng trong khi đang chuyển động thay vì ngồi nghĩ. Trước giờ gặp vấn đề mình sẽ suy nghĩ tìm cách giải quyết. Sau này mới nhận ra là việc dựa dẫm quá nhiều vào suy nghĩ mới chính là vấn đề. Như Einstein đã từng nói: “không thể giải quyết vấn đề bằng tầm nhận thức đã tạo ra nó”. Có nghĩa là không thể nghĩ ra giải pháp cho vấn đề đến từ suy nghĩ.
Trạng thái và nhận thức phải khác thì suy nghĩ mới khác.
Đó là lí do nhìn từ ngoài vào chúng ta đang nhảy múa như những đứa hâm hâm. Vì đó là cách chúng ta quên đi những cách nhìn cũ, suy nghĩ cũ, cái tôi cũ để luồng gió mới có thể đến. Đây là điều cái não của mình giả vờ không hiểu: chuyển động khác thì suy nghĩ cũng khác!
Bản thân mình là con người đam mê triết học, cũng đã từng học chuyên ngành Tin Học ở nước ngoài nên đầu óc lúc nào cũng đầy chữ. Việc chọn đi sâu hơn vào con đường chuyển động không phải là một quyết định vô não.
Càng về sau mình càng nhận ra là một trong những nỗi khổ lớn của đời đến từ sự tách rời Thân Tâm Trí. Trí muốn một đằng, Thân đi một nẻo, Tâm để đi đâu.
Cũng có thời gian đi gym, tập chạy, ám ảnh tới hình ảnh cơ thể đến mức tự hành hạ bản thân rồi mới nhận ra là cái Trí vẫn đang coi cái Thân là một đứa nô lệ bất tài, muốn bắt nó nhiều thứ mà nó chưa đủ trình để làm. Tệ hơn nữa, đời này đã lỡ gắn kết với cái Thân này rồi rồi nên đành phải bắt ép nó tập thêm. Phải luôn luôn tiến lên, dừng lại là thua, là chết.
Khi có sức ép thì luôn có phản lực. Hệ quả là bên trong mình có một tiếng nói nhỏ biết là có một cái gì đấy sai sai, thiêu thiếu.
Biểu hiện bên ngoài thì thấy tự dưng mất hứng. Chán chê, chẳng muốn làm gì. Mặc dù mình là một con người rất tốt, rất tích cực. Chả trách cái Trí luôn tìm mọi lí do để né tránh sự lặng yên. “Không có đủ thời gian. Không cần. Không dám.” Tất cả đều đến từ nỗi sợ. Khi sự lặng yên bắt đầu, Trí sẽ phải đối mặt với những phần mà nó đã ruồng rẫy và đối xử rất tệ bạc.
Chỉ đến khi thực sự rơi vào khủng hoảng mới ngộ ra những điều mình đã bỏ quên.
Với Khuyến, khủng hoảng là giây phút sực nhận ra là những việc mình vốn đã từng rất tâm huyết và cảm thấy nhiều ý nghĩa bây giờ không còn như vậy nữa.
Mình đã đánh đổi quá nhiều trên danh nghĩa “người tốt, việc tốt”.
Khi thực sự nhìn thấy cách mình tự đối xử với bản thân, tự khắc nước mắt chảy dài.Thương vì đã hành xác quá là một phần. Phần kia là buồn vì đã đi quá xa khỏi sự thật, với những thứ đúng nhất với chính mình. Có thể bạn cũng vậy.
Chảy nước mắt là một điều rất tự nhiên. Đó là dấu hiệu của sự trở về.
Việc tập nhảy, đặc biệt là Chạm Ngẫu Hứng, không chỉ rèn cho mình sự linh động mà còn chỉ cho mình nhìn thấy rõ hơn nội lực vốn sẵn của bản thân.Mình dạy nhảy một phần là mình cần, một phần là thấy mọi người cũng sẽ thấy nó có ích cho mọi người”.